Bảo quản hàng gỗ ngoài trời

Đăng bởi LIdee Haus vào lúc 27/03/2021

Bàn ghế ngoài trời không phải khái niệm mới nhưng chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam do đặc điểm nhà tại Việt Nam phần lớn là nhà không có sân vườn rộng hoặc nhà chung cư có ban công diện tích cũng khá hạn chế, bàn ghế ngoài trời nếu có xuất hiện cũng chủ yếu ở các khu nghỉ dưỡng hoặc nhà hàng. Với xu hướng thiết kế ngày càng hướng nhiều hơn tới yếu tố môi trường tự nhiên, không gian mở thoáng đãng, việc có trong nhà một số sản phẩm hàng ngoài trời cũng trở nên cần thiết hơn. Có rất nhiều sự khác biệt giữa bàn ghế ngoài trời và bàn ghế trong nhà, sự khác biệt có thể đến từ chất liệu, bề mặt xử lý, kiểu dáng kết cấu, do đó không phải bàn ghế nào cũng có thể đem ra ngoài trời nếu đó là sản phẩm được thiết kế để sử dụng trong nhà, và ngược lại sản phẩm vốn để sử dụng ngoài trời cũng sẽ không phù hợp nếu bạn để trong nhà. Do nhu cầu sử dụng chưa nhiều nên việc người tiêu dùng chưa có khái niệm phân biệt rõ ràng về hàng ngoài trời và hàng trong nhà là hoàn toàn dễ hiểu, trong những bài viết sắp tới, LIdee rất sẵn lòng chia sẻ thêm với các bạn nhiều hơn về chủ đề này.    

Tại website của LIdee Haus, các sản phẩm được phân chia thành hạng mục hàng ngoài trời và hàng trong nhà để khách hàng có được sự phân biệt ban đầu trước khi quyết định tìm hiểu thêm về sản phẩm. Nhắc đến hàng ngoài trời, đặc điểm đầu tiên mọi người quan tâm là sản phẩm sẽ để ngoài trời và chịu tác động của các yếu tố môi trường như nắng, mưa…, vậy sau một thời gian sử dụng, sản phẩm để ngoài trời sẽ ra sao? Trong bài viết này, LIdee sẽ ưu tiên nói trước về vấn đề bảo quản hàng ngoài trời, cụ thể là đối với hàng làm từ gỗ. 

Đối với hàng gỗ ngoài trời, loại bề mặt phổ biến nhất hiện tại là màu dầu đem lại bề mặt vàng nâu như màu mật ong (hoặc nâu cánh gián tuỳ theo công thức pha màu) đóng vai trò là lớp bảo vệ bề mặt nhưng không che phủ hoàn toàn mà vẫn phô diễn được toàn bộ vân gỗ (giống như một lớp màng trong suốt nhưng có màu). Dưới tác động của môi trường (nắng, mưa…), màu sắc trên bề mặt sản phẩm sẽ dần phai đi và trở nên nhạt màu hơn so với ban đầu. Rất khó để đưa ra một mốc thời gian cố định cho việc khi nào thì sản phẩm bắt đầu phai màu vì có rất nhiều yếu tố tác động đến việc này. Thứ nhất là chất lượng sản xuất, tuỳ theo chất lượng gỗ, chất lượng màu dầu và trình độ xử lý bề mặt, sản phẩm đến từ những nhà sản xuất khác nhau có thể không giống nhau về chất lượng, dẫn đến thời gian khác nhau trong việc lưu giữ độ bền màu sau một thời gian sử dụng ngoài trời chịu tác động của môi trường. Nếu sản phẩm được chế tác sơ sài từ nguyên liệu không tốt, thời gian biến màu có thể diễn ra sau một thời gian ngắn (1-2 tháng). Thứ hai là mức độ khắc nghiệt của thời tiết, cùng là hai chiếc ghế gỗ mua cùng một chỗ và đặt ngoài trời trong 2 giai đoạn khác nhau: thời tiết nắng nóng bức xạ nhiệt cao và thời tiết râm mát có nắng nhẹ, mức độ biến màu sẽ có khác biệt rõ ràng. Thứ ba là cách thức sử dụng và bảo quản, vẫn là câu chuyện 2 chiếc ghế giống nhau mua cùng một chỗ, chiếc ghế bày ngoài sân nhỏ có mái hiên che phía trên chắc chắn sẽ giữ màu lâu hơn chiếc ghế để trần giữa khoảng không mà không có mái che. Vì vậy sau khoảng 6 tháng - 1 năm, nếu nhận thấy sản phẩm có vẻ nhạt màu hơn, xin đừng vội kết luận do sản phẩm chất lượng không tốt, đây là phản ứng rất bình thường của sản phẩm gỗ ngoài trời dưới tác động của môi trường. 

Sản phẩm chỉ hơi nhạt màu còn kết cấu vẫn tốt, bạn chỉ muốn "make up" lại một chút cho bề mặt mới lại như ban đầu chứ không muốn mua cái khác, vậy làm sao bây giờ? Quay lại vấn đề chính, LIdee xin được chia sẻ cho các bạn một số tips nhỏ:

  1. Trước hết phải có dầu bảo quản dành cho hàng gỗ ngoài trời và khăn khô để lau dầu (hoặc chổi).
  2. Dùng khăn ướt lau sạch bề mặt sản phẩm trước khi "hành sự", việc này để đảm bảo bề mặt trơn mịn không dính bụi hay vết bẩn nào khác trước khi lau dầu lại. Lưu ý chỉ dùng nước bình thường, hoặc có thể thêm chút xà phòng nhẹ (nếu có vết nào hơi cứng đầu), tuyệt đối không dùng thuốc tẩy.
  3. Lau sạch lại toàn bộ bề mặt sản phẩm với khăn khô, lưu ý lau khô 100% không để sót lại chi tiết còn ẩm ướt.
  4. Sử dụng giấy nhám độ 320-400 để chà nhám lại bề mặt. Có thể tưởng tượng bước này giống như giũa móng tay sau khi cắt móng, mục đích để loại bỏ những vết bám cứng đầu mà khi lau chùi bằng xà phòng cũng không hết được và loại bỏ "lớp áo" cũ để lớp dầu mới có thể thẩm thấu vào bề mặt gỗ. Bước chà nhám này vô cùng quan trọng vì nếu bạn lau lớp dầu mới trực tiếp lên sản phẩm mà không chà nhám trước, lớp dầu mới sẽ không thể thẩm thấu vào bên trong phần gỗ (vì đã bị lớp cũ chặn lại) và khiến bề mặt dính nhớp.
  5. Sau khi chà nhám, lấy khăn khô lau lại toàn bộ bề mặt để phủi bụi (chà nhám sẽ ra rất nhiều bụi gỗ).
  6. Lau dầu lên sản phẩm và để phơi khô tự nhiên trong vòng 48 tiếng để bề mặt khô ráo hoàn toàn. Khu vực phơi khô lí tưởng nhất là để trong nhà để tránh tác động môi trường, hoặc có thể để bên ngoài nhưng nhất định phải có mái che. 
  7. Sau khi sản phẩm khô hoàn toàn, có thể dùng giấy nhám độ 1000 (biên độ rất nhẹ) để chỉnh trang bề mặt một chút (giống như dặm lại phấn khi makeup), bước này không bắt buộc.

 

Trong trường hợp không quá thành thạo với các thao tác hoặc không kiếm được dụng cụ phù hợp, vui lòng liên hệ LIdee để được tư vấn và hỗ trợ bạn nhé!

 

Nội dung bài viết thuộc về LIdee Haus, vui lòng không tự ý sao chép nội dung mà không có dẫn nguồn cụ thể. Credit hình ảnh @stockasso (Deposit Photos USA) 

Bạn đang xem: Bảo quản hàng gỗ ngoài trời
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: